0

5 “nghệ thuật” tạo ra thổ cẩm dân tộc – Thổ cẩm Mela

Tuy hai từ “thổ cẩm” là danh từ dùng chung để chỉ những sản phẩm, tác phẩm bằng vải làm bằng thủ công do chính tay những người dân tộc tạo ra. Nhưng nếu đi sâu vào bên trong sẽ thấy được rất nhiều kỹ thuật đặc trưng của từng dân tộc cũng như những vùng miền khác nhau. Hãy cùng thổ cẩm Mela bước đi trên con đường “nghệ thuật” này nhé.
1. Hoa văn dệt
Dệt là hoạt động thường xuyên của phụ nữ các dân tộc nói chung và là một khâu tất yếu trong quá trình tạo ra những tấm vải thổ cẩm. Một số dân tộc Thái, Mường và các dân tộc ở Tây Nguyên đã lồng ghép việc tạo hoa văn ngay trên khung cửi của mình. Để tạo hoa văn, người ta thêm một sợi ngang khác biệt với sợi nền. Sợi ngang bổ sung này được chèn giữa làn sợi dọc theo hai kỹ thuật khác nhau: hoặc sợi chạy xuyên suốt chiều ngang khổ vải, hoặc chỉ ở vị trí dự định trang trí và người dệt thường thao tác trên mặt trái tấm vải.
Các khung dệt này thường có hai hàng go cơ bản và các go phụ hoặc những que nhỏ dùng tách sợi dọc để chèn sợi ngang phụ tạo hoa văn. Hoa văn càng phức tạp thì số lượng các go phụ cần dùng càng nhiều.

Hoa văn được tạo ngay trong quá trình dệt

2. Thêu
Thêu là kỹ thuật ngày càng trở nên phổ biến ở các dân tộc miền núi phía Bắc, các bé gái học thêu từ rất sớm và đến 12 – 13 tuổi đã có thể thêu thành thạo. Việc thêu này được họ thực hiện ở bất cứ nơi đâu như khi ở nhà, lên nương, đi chợ, đi chơi. Mỗi tộc người trên vùng đất phía Bắc này lại có những kỹ thuật thêu rất đặc trưng: Người H’Mông thêu chéo mũi tạo thành những dấu nhân; Người Dao và người Thái chủ yếu sử dụng kỹ thuật thêu luồn sợi và vắt chỉ. Các mẫu thêu truyền thống được truyền thừa từ đời này sang đời khác và với kỹ thuật thêu của mình, mỗi người lại sáng tạo ra những hoa văn cùng với những đường cong tự nhiên hơn. Việc sáng tạo này đã giúp cho thổ cẩm đương đại càng được mọi người chú ý hơn với nét quyến rũ của riêng mình.
 
3. Batik
Batik là kỹ thuật “nhuộm bao vải”, nghĩa là trước khi nhuộm, người ta che chắn trước một phần vải để tạo hoa văn. Kỹ thuật này được người H’Mông và Dao Tiền sử dụng rất phổ biến. Nguyên liệu dùng chủ yếu trong kỹ thuật Batik chính là sử dụng sáp ong. Họ đã “lợi dụng” nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên này, đun nóng chảy chúng trên những chảo nhỏ và “mặc sức” tạo những hoa văn trên nền vải trắng tự nhiên vừa được dệt. Khi sáp ong khô, vải được đem nhuộm chàm nhiều lần cho đến khi đạt được màu ưng ý, sau đó nhúng vào nước sôi cho sáp ong tan hết. Khi sáp ong tan đi cũng chính là lúc những hoa văn, họa tiết sáng màu trên nền vải thổ cẩm được sáp ong bảo vệ trước khi nhuộm xuất hiện trên nền vải chàm sẫm.

4. Ikat

Ikat là kỹ thuật “nhuộm bao sợi”. Khác batik là “nhuộm bao vải”; với ikat không phải dùng tấm vải mà là sợi được bao trước khi nhuộm. Người ta dùng xơ vỏ cây hoặc sợi nilon buộc bao xung quanh bó sợi ở những đoạn khác nhau rồi đem nhuộm. Các phần sợi được bao sẽ không bắt màu. Quy trình bao – nhuộm lặp lại nhiều lần để tạo những sợi đa sắc. Sợi này được dùng làm sợi ngang để dệt nên tấm vải ikat. Một số nơi dùng kỹ thuật “nhuộm bao sợi” để xử lý các sợi sẽ chăng lên khung dệt làm sợi dọc. Kỹ thuật ikat phổ biến ở người Thái Đen, Khơ-me, Ba-na… Hoa văn ikat có vẻ đẹp rất riêng nhờ các đường biên mờ.

5. Đáp vải

Đáp vải là kỹ thuật tạo các hoa văn bằng nhiều miếng vải màu nhỏ khâu lên trên một tấm vải nền. Vải để đáp có các màu khác nhau, được cắt hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, dải băng… rồi khâu đáp lên vải nền, mũi khâu giấu ở mặt sau không để lộ đường chỉ. Kỹ thuật đáp vải phổ biến ở một số tộc người miền núi phía Bắc. Tuy nhiên mỗi dân tộc thường có những kiểu ghép riêng. Người Lô Lô, Pu Péo ghép các hình tam giác. Người Hmông có kỹ thuật đáp vải rất tinh xảo gọi là “đáp vải ngược”, nghĩa là mảnh vải đáp được cắt lượn thành các hoạ tiết rồi đáp lên y phục để lộ màu nền bên dưới.
 By: Lê Thư (lethianhthu.com)Thổ cẩm Mela – 0919.39 79 80

Email: thulta0406@gmail.com